Brand là một trong những vị tướng có cách chơi rất đa dạng khi kỹ năng của anh ta có thể được sử dụng theo những cách khác nhau để tạo nên những hiệu ứng phù hợp.
Brand là một trong những vị tướng có lối chơi rất thú vị khi các kỹ năng của anh ta có thể được dùng theo các cách khác nhau. Brand cũng là một pháp sư khá mạnh trong giao tranh tổng và có thể là một sự lựa chọn tốt trong những tình huống nhất định.
Sơ lược về sức mạnh
Ưu điểm
- Bộ kỹ năng có nhiều kiểu hiệu ứng, dùng được cho nhiều tình huống khác nhau
- Có khả năng giao tranh tổng cực tốt
- Gây được nhiều sát thương ở mọi giai đoạn
Nhược điểm
- Thiếu độ cơ động, không có khả năng thoát thân tốt
- Kỹ năng làm choáng không chủ động
- Chiêu cuối khó phát huy tối đa tác dụng
Đối đầu – Khắc chế
Brand có thể đối đầu tốt với khá nhiều những vị tướng, đặc biệt là những kẻ không có sự cơ động cao hoặc cận chiến. Khả năng ép góc của Brand với Cột Lửa là rất tốt và nó khiến nhiều vị tướng cận chiến hoặc chậm chạp phải e sợ. Brand cũng có thể đi hòa đường với những pháp sư khác nhờ khả năng đẩy đường nhanh.
Do cũng là một vị tướng thiếu sự cơ động nên Brand rất sợ những kẻ có thể áp sát nhanh, đặc biệt là các sát thủ vật lý. Do Brand chỉ có một kỹ năng làm choáng duy nhất là Vệt Lửa – một kỹ năng định hướng – nên khả năng Brand thoát ra khỏi được tầm tấn công của kẻ địch là rất thấp. Những vị tướng có khả năng kéo hoặc có độ cơ động cao cũng khiến Brand gặp vô số khó khăn.
Ngọc bổ trợ – Bảng bổ trợ – Phép bổ trợ
Ngọc bổ trợ
Ngọc bổ trợ của Brand sẽ dùng như những pháp sư thông thường với ngọc đỏ xuyên kháng phép và ngọc tím sức mạnh phép thuật. Khác biệt ở ngọc vàng với ngọc xanh khi 2 loại ngọc này sẽ phụ thuộc vào đối thủ của Brand. Nếu đi với các tướng sức mạnh phép thuật, ngọc vàng nên lấy máu trong khi ngọc xanh lấy kháng phép.
Nếu đối đầu với các tướng vật lý, ngọc vàng nên lấy giáp trong khi ngọc xanh sẽ ưu tiên vào sức mạnh phép thuật. Nếu bạn là một người cẩn thận, có thể dùng cả ngọc xanh kháng phép để đề phòng sát thương phép từ đối thủ.
Bảng bổ trợ
Là một pháp sư nên bảng bổ trợ của Brand sẽ ưu tiên cho sát thương. Cụ thể ở đây Brand sẽ dùng bảng bổ trợ 21-0-9 với 21 điểm ở nhánh công để tối ưu hóa sát thương trong khi 9 điểm đa dụng sẽ cho Brand các điểm phụ trợ cần thiết như hồi năng lượng hay giữ bùa.
Nếu bạn muốn chắc chắn hơn trong việc đi đường khi gặp phải các kèo đấu khó thì có thể chuyển 9 điểm ở nhánh đa dụng sang nhánh phòng thủ. Bảng bổ trợ 21-9-0 như thế này sẽ hữu hiệu khi đối đầu với các sát thủ hoặc những pháp sư đè đường mạnh.
Phép bổ trợ
Tốc Biến là phép bắt buộc phải có bởi Brand không có bất cứ một cách nào để thoát khỏi tầm tấn công của đối phương. Bên cạnh Tốc Biến, phép bổ trợ còn lại sẽ được cân nhắc trong các tình huống.
Thiêu Đốt khi bạn gặp những vị tướng khác có thể “bắt nạt” được.
Tăng Tốc,
Hồi Máu hay
Lá Chắn hoặc
Kiệt Sức đều là những sự lựa chọn tốt để giúp Brand phòng thủ trước sức sát thương của đối phương. Tăng Tốc chỉ nên lấy khi đối phương không có quá nhiều hiệu ứng khống chế.
Hướng nâng kỹ năng
Bộ kỹ năng của Brand khá đa dạng trong cách dùng nên cũng có rất nhiều kiểu tăng điểm khác nhau. Tuy nhiên, là một pháp sư đường giữa, chúng ta nên ưu tiên Brand theo hướng dồn sát thương với việc nâng tối đa Cột Lửa trước. Kỹ năng này có khả năng dọn quái nhanh đồng thời là kỹ năng gây nhiều sát thương nhất của Brand. Lấy Cột Lửa ở cấp 1 để có thể giao chiến ngay được với đối thủ sau đó nâng tối đa khi đạt cấp 9.
Vệt Lửa cần được nâng ngay ở cấp 2 bởi đây là kỹ năng làm choáng duy nhất của Brand. Kỹ năng này cũng sẽ được tối đa ngay sau Cột Lửa để lấy thời gian hồi chiêu nhanh hơn và sát thương cao hơn. Vệt Lửa sẽ nâng tối đa ở cấp 13. Bùng Cháy lấy ở cấp 3 để kết hợp cùng với các kỹ năng khác nhưng nâng tối đa sau cùng. Chiêu cuối Bão Lửa lấy đúng cấp độ 6 – 11 – 16.
Trang bị
Brand sẽ xây dựng bộ trang bị như một pháp sư thông thường với việc khởi đầu bằng Nhẫn Doran rồi hướng tới Cốc Quỷ Athene. Nếu phải đối đầu với các sát thủ vật lý, hướng tới Giáp Lụa và nhiều bình máu để trụ đường liên tục. Cốc Quỷ Athene là trang bị đầu tiên cần hướng tới khi đối đầu với các pháp sư trong khi Giáp Tay Seeker/Đồng Hồ Cát Zhonya để đối đầu với các tướng gây sát thương vật lý.
Mặt Nạ Ma Ám nên được lên sớm để vừa có máu vừa có sức mạnh phép thuật kèm khả năng xuyên kháng phép. Nội tại Bỏng của Brand gây khá nhiều sát thương và Mặt Nạ Ma Ám sẽ là cách để tăng cường sát thương của kỹ năng này. Mặt Nạ Đọa Đầy Liandry sẽ được lên ngay sau đó để kết hợp cùng Bỏng tạo ra những hiệu ứng đốt liên tục và rút máu đối thủ cực nhanh.
Trượng Pha Lê Rylai cũng nên có để vừa tăng máu, vừa có thể có thêm một chút khả năng làm chậm. Tuy nhiên, nếu có dư dả tiền bạc có thể hướng tới Mũ Phù Thủy Rabaddon để gia tăng lượng sát thương. Trượng Hư Vô cũng có thể được lên sớm hơn do xu thế hiện nay các pháp sư thường nhắm tới Trượng Hư Vô ngay sau trang bị lớn đầu tiên.
Tựu chung lại, một bộ trang bị hoàn chỉnh của Brand sẽ là: Giày Pháp Sư – Cốc Quỷ Athene – Đồng Hồ Cát Zhonya – Trượng Hư Vô – Mũ Phù Thủy Rabaddon – Mặt Nạ Đọa Đầy Liandry.
Cách chơi từng giai đoạn
Đầu trận
Brand có thể chơi an toàn hay hổ báo đều khá tốt ở giai đoạn đầu trận. Nếu đi với những sát thủ như Zed hay Yasuo, Brand có thể kéo rỉa máu chúng rất mạnh với Cột Lửa kèm những đòn đánh thường. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng Cột Lửa rất tốn năng lượng nên bạn không thể dùng nó liên tục chỉ với mục đích ép góc đối phương được. Cột Lửa cũng khá dễ né nếu đối phương có tốc độ di chuyển khá, do đó chỉ sử dụng khi đối phương đang chuẩn bị ăn lính và nên dùng trúng cả lính để kết hợp với việc lấy chỉ số lính.
Brand rất khó để thoát khỏi tầm tấn công của đối phương do đó không nên đứng quá cao để bị áp sát. Vị trí tốt nhất là luôn đứng ở đằng sau lính đánh xa. Bạn cũng nên đầu tư những con mắt để tự phòng vệ cho bản thân khỏi tướng đi rừng đối phương đồng thời có thể gọi đồng đội ra giúp. Brand chỉ cần một kỹ năng khống chế của đồng đội là gần như chắc chắn sẽ có mạng do lượng sát thương cao và cũng có một kỹ năng làm choáng. Nếu bạn không thể dồn ép đối phương cũng không sao, cứ thủ hòa ăn lính và tuyệt đối không để bị tiêu diệt là thành công rồi.
Giữa trận
Brand có khả năng giao tranh rất mạnh do có tới 3 kỹ năng gây sát thương trên diện rộng nên bạn hoàn toàn có thể đảo đường liên tục cùng các đồng đội. Những cuộc giao tranh trong pham vi nhỏ như trong rừng hoặc ở khu vực hang Rồng luôn là một địa điểm ưa thích cho Brand thi triển kỹ năng. Brand có thể đóng vai trò người ép góc rất tốt nếu đội bạn chủ động tấn công Rồng khi Cột Lửa luôn là chiêu thức có khả năng ép góc tốt. Nếu đối phương trúng Cột Lửa, hãy bồi thêm Vệt Lửa để làm choáng. Việc sau đó quyết định tràn lên đánh hay không sẽ do tướng đấu sĩ bên bạn quyết định.
Trong một pha giao tranh ở thời điểm giữa trận, Brand thường là người mang lại rất nhiều sự khác biệt. Các tình huống giao tranh mà đối phương có từ 2 tới 3 người là thời điểm thích hợp nhất để Brand sử dụng chiêu cuối Bão Lửa một cách hiệu quả. Hãy cố gắng dùng Cột Lửa trúng nhiều đối phương rồi sau đó tung Bão Lửa. Bão Lửa sẽ nảy nhanh hơn giữa các mục tiêu bị hiệu ứng Bỏng và chúng sẽ khó né hơn. Việc có ít mục tiêu sẽ đảm bảo chiêu cuối của Brand sẽ nảy lên một mục tiêu nhiều hơn và gây được sát thương rất lớn.
Cuối trận
Thời điểm này Brand thực sự không mạnh như giữa trận (chủ yếu do đối thủ mạnh lên nhiều hơn) nhưng Brand vẫn là một nguồn sát thương đáng sợ. Dẫu vậy, sự thiếu cơ động lúc này luôn khiến một pháp sư như Brand bị đối phương ngắm rất kỹ. Đồng Hồ Cát Zhonya có thể là một giải pháp tốt nhưng nó không thể cứu được bạn nếu bạn không chú ý tới vấn đề chọn vị trí đứng. Tầm thi triển kỹ năng của Brand không quá xa nên vì thế đứng cố gắng đứng cao để kéo máu đối phương. Hãy kiên nhẫn chờ đợi đối thủ mắc sai lầm.
Trong các kỹ năng của Brand, Bão Lửa dĩ nhiên có nhiều sát thương nhất nhưng độ hiệu quả của kỹ năng này lại quá phụ thuộc vào việc đối phương đứng vị trí như thế nào. Do đó, ngay khi có cơ hội, hãy dùng liên tiếp Cột Lửa và Bão Lửa lên đội hình địch. Khi nâng tối đa, Bão Lửa chỉ có 75 giây hồi chiêu và bạn có thể dùng nó như một công cụ kéo máu đội hình địch thay vì cứ khiên cưỡng đợi giao tranh tổng nổ ra. Việc có thể rút được một lượng máu lớn của đối thủ sẽ có tác dụng tốt hơn khá nhiều. Brand có thể tạo tiền đề khá tốt cho các đấu sĩ tạo nên sự hỗn loạn trong đội hình đối phương.
Các mẹo với kỹ năng
Các kỹ năng của Brand sẽ được tác động bởi hiệu ứng Bỏng, do đó thứ tự dùng kỹ năng của Brand sẽ quyết định tác dụng dùng kỹ năng.
Vệt Lửa làm choáng đối tượng đã bị trúng hiệu ứng Bỏng, do đó việc chọn kỹ năng nào để gây hiệu ứng Bỏng trước khi làm choáng sẽ có sự khác biệt. Khi bạn muốn vừa làm choáng, vừa gây nhiều sát thương lên đối thủ hãy dùng Bùng Cháy để tạo hiệu ứng Bỏng sau đó làm choáng bằng Vệt Lửa rồi sử dụng Cột Lửa. Cột Lửa sẽ gây thêm 25% sát thương lên mục tiêu bị Bỏng nên cách dùng kỹ năng thế này sẽ có nhiều sát thương nhất. Đây cũng là cách trao đổi chiêu thức chính của Brand.
Bùng Cháy sẽ lan ra các mục tiêu trong phạm vi 300 nên bạn có thể dùng để gây Bỏng cho các tướng địch đứng gần đó.
Sát thương từ Bỏng gây ra theo phần trăm máu tối đa nên hoàn toàn có thể tiêu diệt được một mục tiêu.
Chiêu cuối Bão Lửa không ưu tiên mục tiêu là tướng hơn lính nhưng nếu bạn sử dụng Bão Lửa lên mục tiêu bị Bỏng, chiêu thức này sẽ ưu tiên nảy lên tướng.
Bão Lửa có thể nảy trúng các mục tiêu tàng hình nhưng không làm chúng lộ diện. Tuy nhiên chừng đó cũng là đủ để bạn phát hiện ra đối thủ có một kẻ tàng hình nào đang ẩn nấp gần đó.
Các kèo đấu với những tướng phổ biến
Yasuo/Zed: 2 vị tướng này có khá nhiều lợi thế trước Brand do chúng có khả năng dồn sát thương nhanh và khiến các kỹ năng của Brand bị trượt hoặc bị chặn lại. Tuy nhiên, Brand có lợi thế là vị tướng có tầm xa trong khi cả 2 đối thủ đều là tướng cận chiến. Do đó, nếu bạn có thể kéo máu đối phương liên tục bằng các kỹ năng và đòn đánh thường cũng như đợi chờ cơ hội phản gank chính xác từ người đi rừng thì Brand hoàn toàn có thể thắng kèo đấu này.
Jayce: Khác biệt lớn nhất của Jayce so với 2 sát thủ kể trên chính là tầm đánh. Jayce là vị tướng đánh xa và có khả năng kéo máu tốt hơn. Trong kèo đấu này, Brand không có được lợi thế tốt và rất dễ bị ép nếu không tránh được Cầu Sấm. Dẫu vậy, Brand hoàn toàn có thể đi hòa đường với Jayce và phát huy tác dụng khi có giao tranh.
Syndra: Syndra là một trong những kèo đấu khá khó cho Brand chỉ đơn giản bởi vì chiêu cuối của Syndra giao đấu 1v1 quá mạnh. Khả năng quấy rối của Syndra cũng tốt hơn do Quả Cầu Bóng Tối có thời gian hồi ngắn lại tốn ít năng lượng và kỹ năng làm choáng của Syndra xa hơn của Brand. Để đấu lại với Syndra, Brand cần đẩy đường nhanh hơn và sau đó lợi dụng lính để trao đổi chiêu thức. Dù vậy, nếu có cả người đi rừng của đối phương thì Brand rất khó thoát.
Orianna: Orianna có thể là một kèo đấu dễ thở cho Brand bởi cô ta không có nhiều sát thương lúc đầu. Khả năng ép đường của Orianna lên các tướng đánh xa là gần như không đáng kể nên Brand có thể thoải mái hơn trong việc trao đổi chiêu thức. Thứ phiền phức nhất của Orianna là lớp khiên từ Lệnh Phòng Hộ có thể làm sai lệch các tính toán của người chơi Brand. Dù vậy, Brand không quá e ngại Orianna bởi sát thương hay khả năng đẩy lính của Brand đều hơn Orianna.
Lời kết
Brand là một vị tướng có cách chơi khá thú vị và dù không còn quá phổ biến ở các giải đấu nhưng Brand vẫn là một sự lựa chọn tốt trong các trận đấu thường. Chúc các bạn có những giây phút thú vị với Brand – Ngọn Lửa Phục Hận!